1. Thế nào là nhịp điệu?
Chúng ta thường nghe bài hát này ở nhịp 4/4, ca khúc nọ nhịp 2/4. Các nhịp thường thấy nhất là 3/4, 2/4, 4/4, 6/8, 3/8. Sau đây chúng ta làm rõ ý nghĩa các loại nhịp trên. Trong cách viết trên thì mẫu số là con số để xác định giá trị trường độ còn tử số là con số xác định có bao nhiêu nốt ở trong một ô nhịp.
Lấy ví dụ bản nhạc ghi nhịp 3/4 thì số 4 xác định rằng bản nhạc đó lấy giá trị của nốt đen làm chuẩn còn số 3 ở tử số thì cho biết rằng trong 1 ô nhịp sẽ có 3 nốt đen. Mặc dù là không phải khi nào trong ô nhịp cũng toàn là nốt đen, nó có thể là nốt móc đơn, móc kép hay nốt trắng nhưng khi tính tổng cộng thì phải bằng giá trị 3 nốt đen.
Hoặc nhịp 6/8 thì số 8 xác định rằng giá trị trường độ chuẩn được lấy là nốt móc đơn và trong 1 ô nhịp sẽ có 6 nốt móc đơn. Dù viết trong một ô nhịp là loại nốt gì thì tính tổng cộng lại cũng phải bằng 6 nốt móc đơn.
Ở trên là nói tới nhịp phách của bản nhạc. Sau đây mới đi vào vấn đề nhịp điệu cụ thể trong kỹ thuật chơi guitar.
Những người học guitar theo lối truyền tay rất quan tâm tới nhịp điệu. Khi tôi mới học guitar, được một người bạn học dạy cho. Anh bạn cũng là học lỏm được từ một người anh học trường sư phạm nghệ thuật. Tôi nhớ nhịp điệu đầu tiên được học là slow rock rồi sau đó là bolero nhưng lúc đó chưa biết nó là bolero mà cứ gọi là điệu xẩm vì thấy cái đĩa nhạc chế nó chơi điệu ấy để đệm những bài nhạc chế...
Lúc đó rất ham học điệu bởi vì có biết nhiều điệu mới đệm được nhiều bài chứ chỉ biết mỗi điệu slow rock thì chỉ đệm được một vài bài hát rất hạn chế thôi.
Thực vậy, mỗi nhịp điệu được viết trên một nhịp phách nhất định. Mà các bài hát thì cũng viết ở các nhịp phách khác nhau. Ví dụ như điệu slow rock chơi ở nhịp 6/8. Nếu bạn đem điệu này mà đệm cho bài mặt trời bé con viết ở nhịp 2/4 trong hình trên thì sẽ bị khớp. Dĩ nhiên cái khớp sẽ xảy ra khi miệng bạn hát theo cách viết của nhịp 2/4 còn tay lại đánh điệu ở nhịp 6/8. Còn nếu bạn chuyển lại, hát theo kiểu của nhịp 6/8 thì vẫn có thể xuôi được nhưng có hay hay không thì lại là câu chuyện khác.
Qua những câu chuyện hơi dài dòng trên, các bạn có thể đã tự nhận ra vì sao mỗi bài hát phải có một điệu để sử dụng cho thích hợp. Ấy là vì giữa điệu và bài hát có cái sợi dây liên quan là nhịp mà bài hát đó sử dụng. Nếu một bài hát viết ở nhịp 2/4 thì cứ hết 2 nốt đen nó sẽ lặp lại một phách mạnh. Tương ứng trong câu hát thì đó là những từ được nhấn mạnh. Xin lấy ví dụ câu đầu bài mặt trời bé con: Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi.
Phân tích theo nhịp phách ta thấy rằng trong câu hát trên gồm có 6 ô nhịp như sau: Ngoài / kia có cô / bé nhìn qua / khe nghe tiếng / đàn của / tôi. Trong câu hát đó, các bạn tự hát lên thì thấy rằng từ "kia" , "bé", "khe", "đàn", "tôi" là những từ được nhấn mạnh hơn các từ còn lại.
Ta lấy ví dụ điệu blue là điệu viết trên nền nhịp 2/4. Tôi sẽ viết phần đệm bằng điệu blue cho câu hát này làm ví dụ minh họa:
Trong đệm hát guitar, điểm quan trọng nhất là ở những chỗ nhấn đó bạn phải đánh vào những dây trầm của đàn (gồm dây 4, 5, 6) nếu các bạn không thể tạo được sự ăn khớp đó thì tay đàn và miệng hát sẽ rời rạc không liên hệ nhau.
2. Một số nhịp điệu
Sau khi đã đọc qua mối liên quan trên, mời các bạn cầm đàn thực hành những bài tập nhịp điệu trên đàn guitar:
(a) điệu slowrock - nhịp 6/8
về ngón tay phải: đánh lần lượt : p i m a m i
Dưới đây là minh họa:
(b) điệu blue - nhịp 2/4
Ngón tay phải: p i ma i. Chú ý là m và a cùng gảy hai dây một lúc
Minh họa:
Tập thành công 2 nhịp điệu này các bạn đã có thể ứng dụng để đệm được nhiều bài nhạc trịnh vì nhạc trịnh đa số đều đệm được nhịp 6/8 còn điệu blue thì những bài như hòn đá cô đơn, cô bé mùa đông, tuổi hồng thơ ngây đều dùng rất hợp.
Một lưu ý là khi tập điệu các bạn nên nhớ thuộc lòng cả cái nhịp mà điệu đó sử dụng để sau này khi xây dựng phần đệm cho một bài hát thì thuận tiện. Khi đó các bạn phải nghe ca sĩ hát trong clip rồi xác định nhịp của bài hát là gì. Xác định được nhịp rồi là hình dung ra được điệu nào thì thích hợp để đệm.
Xem Thêm: